Profile Linkedin Building 4.0

LinkedIn là gì? Và vì sao ngày nay mọi người đều dùng profile LinkedIn để tìm việc?

LinkedIn là trang mạng xã hội dành cho người dùng chuyên nghiệp, hoàn toàn trái ngược với TikTok, hầu như những gì bạn có thể tìm được trên LinkedIn là những cập nhật mới nhất trong ngành, những thành tựu mà người cùng ngành với bạn đạt được, nơi chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nơi những nhà lãnh đạo của ngành chia sẻ cảm nghĩ cá nhân của họ về hướng phát triển của ngành.

Hơn hết, LinkedIn là nơi đầu tiên các nhà tuyển dụng tìm đến khi họ cần tìm một tài năng mới cho công ty, vì mọi tài khoản trên LinkedIn đều được thiết lập như một tờ resume có hồn phiên bản mở rộng.

Để thêm hồn cho “tờ Resume” mang tên Profile LinkedIn này bạn cần phải đắp thêm phụ kiện cho nó để có nhiều cơ hội lọt vào mắt xanh của các chàng và nàng tuyển dụng trong tương lai.

Trong bài viết này, SOL Edu sẽ hướng dẫn cách tạo tài khoản LinkedIn và tối ưu một cách chuyên nghiệp nhất qua 11 bước đơn giản mà không phải ai cũng làm trên profile LinkedIn cá nhân của họ.

1. Đổi Profile LinkedIn Mode sang Creator Mode

Dù không phải là Content Creator, bạn vẫn nên đổi tài khoản của mình sang Creator Mode để phát triển networking trên profile LinkedIn vì chế độ Creator cho phép bạn theo dõi bao nhiêu người tiếp cận tài khoản của bạn hằng tuần, bao nhiêu người xem bài viết của bạn, và bạn xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm của LinkedIn bao nhiêu lần trong tuần vừa qua.

Ngoài ra, có nhiều chức năng chỉ có Creator Mode mới có đó là bạn được tự do đặt các hashtag liên quan đến ngành nghề của mình ngay trên mục miêu tả phía dưới tên của mình. Điều này sẽ giúp các người dùng LinkedIn khác tìm thấy bạn và những nội dung giá trị mà bạn tạo ra trên nền tảng này.

Cách để chuyển sang Creator Mode:

  1. Nhấn vào trang Profile của bạn, nút Me nằm ở góc trên cùng trang chủ
  2. Ngay dưới vùng Dashboard, nhấp vào Creator Mode: Off
  3. Nhấp Next trên cửa sổ bật ra
  4. Tự nhập vào mục Add Topic (hashtag)
  5. Nhấp Save
  6. Làm theo các hướng dẫn của LinkedIn để kích hoạt thành công Creator Mode miễn phí
Profile LinkedIn Dashboard

Profile LinkedIn Dashboard – Creator mode: Off

2. Tìm từ khoá chuẩn SEO cho mục “Talks about” – Hashtag LinkedIn

tìm từ khoá hashtag LinkedIn

Thêm dấu #phíatrướctừkhoá để tìm ra kết quả là hashtag

Trong khi kích hoạt Creator Mode, bạn sẽ được LinkedIn hỏi những nội dung mà bạn có thể sẽ đăng trên kênh của mình là gì, và bạn sẽ “trả lời” câu hỏi này dưới dạng #hashtag.

Ở mục này, bạn phải dùng thanh tìm kiếm của LinkedIn để làm nghiên cứu cho bản thân mình, hãy thử tìm kiếm một vài hashtag mà bạn nghĩ là có liên quan đến lĩnh vực bạn đang học tập và hướng đến.

Tối đa chỉ nên sử dụng 5 hashtag mà thôi, vậy nên hãy chắt lọc hashtag thật kĩ dù cho bạn luôn có thể đổi lại sau này. Hãy cố gắng tìm nhưng hashtag có nhiều người sử dụng, điều đó có nghĩa là nhiều người khác trong lĩnh vực của bạn đang dùng “ngôn ngữ” đó để tạo nên mối liên kết “ngầm” trên mạng xã hội LinkedIn.

Khi đã “đào” ra được hashtag phù hợp với mình rồi, mình khuyên bạn nên nhấp vào nút “Follow” hashtag đấy luôn vì tất cả những bài đăng của mọi người dùng LinkedIn trên thế giới sử dụng hashtag đó sẽ xuất hiện trên feed của bạn. Một “món đặc trưng” của LinkedIn là các lão làng trong ngành hiểu rất rõ sức mạnh của LinkedIn, thế nên họ đăng nội dung có tính giá trị cao hầu như mỗi ngày trên nền tảng này.

Do đó, những gì bạn học được từ việc theo dõi #hashtag sẽ là những tri thức vô giá mà có thể không một trường lớp nào có trong chương trình học.

Theo dõi hashtag LinkedIn

Theo dõi Hashtag để nhận được cập nhật từ các lão làng trong ngành

3. Cập nhật mục “Intro”, nơi quan trọng nhất để bất kỳ nhà tuyển dụng nào tìm ra bạn qua profile LinkedIn

Để cập nhật mục Intro, nhấp vào biểu tượng cây bút nằm phía bên phải của mục Intro ngay dưới khu vực ảnh bìa.

Ở đây, bạn có thể tuỳ ý lựa chọn tên của mình, nhưng vì LinkedIn là ứng dụng mang tính toàn cầu, mình khuyên rằng bạn nên để tên tiếng Việt không dấu hoặc tên tiếng Anh của mình nếu có. Vì nếu như có HR nào tình cờ thấy profile LinkedIn của bạn và có ấn tượng nhưng lại chưa có nhu cầu tiếp cận bạn ngay bây giờ thì họ có thể sẽ có cơ hội ghi nhớ tên của bạn tốt hơn là một tên thuần Việt (tên tiếng Việt có dấu lại càng không). Đừng nên giới hạn cơ hội của mình chỉ trong sân chơi ao làng.

a. Tối ưu mục “Headline LinkedIn” sao cho phù hợp với cách HR tìm kiếm ứng cử viên theo vị trí nghề nghiệp

Headline LinkedIn

Headline LinkedIn là “điểm chạm” đầu tiên tới đôi mắt của nhà tuyển dụng trên LinkedIn

Headline LinkedIn là nơi bạn nói về vị trí mà bạn đang làm hoặc mong muốn được làm trong tương lai sau khi tốt nghiệp. Nhưng mọi chuyện không đơn giản chỉ là chọn đại tên một vị trí mà bạn muốn làm.

Bạn nên lên Google hoặc sử dụng chính thanh công cụ tìm kiếm của LinkedIn để nghiên cứu về các vị trí trong ngành. Yếu tố quan trọng ở mục Headline LinkedIn là dùng đúng từ khoá mà nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm.

Hãy đặt bản thân mình vào quan điểm của HR, nếu bạn muốn tìm một người sản xuất nội dung cho mạng xã hội có kinh nghiệm từ 1-2 năm thì bạn sẽ tìm kiếm một profile LinkedIn như thế nào?

Hãy tưởng tượng đến vị trí mà bạn muốn nhắm đến ngay khi vừa ra trường, ví dụ: Junior SEO Specialist, Social Media Marketing, Content Creator, Blogger,… Lưu ý, chỉ nên để từ 1-2 vị trí mà bạn thật sự nhắm đến mà thôi, bạn sẽ có nơi khác để viết nhiều hơn ở mục “About” ngay phía dưới.

b. Chọn mục “Current Position” sao cho chuẩn profile LinkedIn all star?

Current position section of Profile LinkedIn

Current Position của một profile LinkedIn nên được tối ưu theo SEO

Ở mục này bạn chỉ có thể lựa chọn những vị trí mà bạn đã thật sự làm trước đây mà thôi, đặc biệt, dù vị trí của bạn ở công ty này là gì thì trên mục “Intro” cũng sẽ chỉ hiển thị tên và logo công ty đó mà thôi.

Đó là lý do vì sao bạn cần mô tả vị trí làm việc của bản thân tốt nhất có thể ở mục “Headline LinkedIn”.

Mẹo của mình dành cho bạn ở mục này là hãy mặc kệ chữ “Current” mà hãy chọn công ty có nhiều danh tiếng nhất mà bạn từng làm. Hãy biết rằng các nhà tuyển dụng phải lướt qua hàng chục hàng trăm hồ sơ khác nhau mỗi khi họ tìm kiếm một ứng cử viên sáng giá cho công ty.

Như một hiệu ứng tâm lý, nếu họ thấy tên và logo của một công ty có thể họ biết và ấn tượng, khả năng cao họ sẽ tin tưởng bạn hơn trong một phần nghìn giây nhỏ nhoi khi họ lướt ngang qua tài khoản của mọi người.

Sẽ chẳng có ích gì nếu bạn phải cố chấp chọn tên của một tiệm cà phê bạn đang làm barista hiện tại nhưng tiệm cà phê đấy lại chẳng hề có một trang LinkedIn Page để bạn tag vào. Thay vào đó, hãy chọn một công ty mà bạn từng làm dù là ở vị trí thấp nhất, nhưng công ty đó lại có một trang LinkedIn Page tử tế có logo và có danh tiếng và có liên quan đến lĩnh vực bạn làm.

c. Thiết lập “Location” sao cho nhiều người muốn liên hệ với bạn trên LinkedIn hơn

Location section on Profile LinkedIn

Location trên profile LinkedIn không nên chỉ là nơi bạn đang ở

Mình đã gặp rất nhiều tài khoản LinkedIn thiết lập “Location” là nơi họ đang ở hiện tại, nhưng lại chẳng phải là nơi họ muốn tìm việc. Thậm chí còn có nhiều trường hợp để “Location” là quê hương của mình. Điều này sẽ chỉ mang lại bất lợi cho bạn mà thôi.

Ví dụ bạn đang ở Úc nhưng biết rằng vài tháng tới mình sẽ về Việt Nam để tìm việc làm, hi vọng rằng sẽ kiếm được việc đúng ngành mình muốn, thì mục “Location” nên để là thành phố, đất nước nơi bạn sẽ về để kiếm việc. Ví dụ: Hồ Chí Minh, Việt Nam thay vì Brisbane, Australia.

d. Luôn luôn đảm bảo “Contact Info” được cập nhật

Ở dưới cùng của phần “Edit”, bạn có thể cập nhật thông tin liên lạc của mình dù đó là website cá nhân, số điện thoại, email, địa chỉ làm việc và cả những tài khoản mạng xã hội khác như Twitter, Skype, WeChat, Google Hangouts,…

Contact info section on profile LinkedIn

Mục Liên hệ giúp HR liên lạc được trực tiếp đến bạn thông qua profile LinkedIn của bạn

4. Mục “About” là mặt tiền trên profile Linkedin để bạn kể câu chuyện của mình với thế giới (trong 2600 kí tự)

Lưu ý, không phải 2600 từ, mà 2600 ký tự – khoảng 500 từ tiếng Anh.

Ở đây là nơi để bạn thể hiện cá tính của bản thân với nhà tuyển dụng, nếu làm tốt, nó sẽ là buổi “pre-phỏng vấn” của bạn khi nhà tuyển dụng đọc qua toàn bộ mục “About” này. Tuỳ vào việc bạn muốn thể hiện bản thân mình tới mức nào, bạn muốn cuộc trò chuyện một chiều này đi sâu vào các vấn đề riêng tư của bạn tới đâu.

Mình biết rằng không phải ai cũng có khả năng chơi đùa với câu chữ như những nhà sáng tạo nội dung, do đó có rất nhiều khung mẫu để điền có sẵn trên mạng mà bạn có thể tìm hiểu thông qua Google hoặc đi tham khảo những tài khoản LinkedIn khác và sao chép cấu trúc bài của họ.

Dưới đây là một template cho các bạn làm việc liên quan đến khối ngành business:

  • I am a [Personal attributes] bi-lingual postgraduate student completing a [Your degree]. I’ve had the opportunity to work for [A company] as an [Your title] allowing me to gain experience in areas of [Skill 1], [Skill 2] and [Skill 3] within the [Industry field]. Demonstrated experience working in a wide variety of sectors including: [Industry 1 & Industry 2). I am looking forward acquiring a [Job] in the [Name of industry] community.
  • Skills and Competencies: your skills and competencies
  • Proficient in: what you’re proficient in
  • Call to action: you must always have a call to action. I.e. “If you are looking for a candidate to fill in the position of Marketing Officer, I might be the best one you can find, send me a LinkedIn message so that we can discuss further about our future opportunity.”

Hãy đi tham khảo nhiều tài khoản LinkedIn thường xuyên hoạt động và đăng tải nội dung, bạn sẽ tìm thấy một nghìn chín trăm kiểu sáng tạo khác nhau ở mục này. Giới hạn duy nhất là 2600 kí tự, còn lại mọi sự sáng tạo đều nằm trong tay bạn.

5. Mục “Experience” là hũ vàng ở chân cầu vồng, là nơi mà nhà tuyển dụng sẽ đào tới trong profile LinkedIn của bạn

Tuy nằm tít phía dưới của trang hồ sơ LinkedIn, nhưng mục “Experience” lại là nơi thuật toán LinkedIn phù phép nhiều nhất để đưa ra kết quả tìm kiếm phù hợp nhất.

Hãy cập nhật tất cả công việc mà bạn từng làm trong đời, mặc kệ người đời có khuyên bạn chỉ nên cập nhật những gì liên quan đến lĩnh vực của mình làm. Vì ở thời đại Generalist được ưa chọn hơn là Specialist ở vị trí entry-level thì càng nhiều kinh nghiệm càng chứng tỏ bạn ham học hỏi từ khi còn trẻ và bạn có số lượng kinh nghiệm rất đa dạng ở nhiều lĩnh vực.

Một người từng làm thu ngân ở quán cà phê khả năng cao sẽ có kĩ năng giao tiếp tốt hơn người chỉ dành ra 4 năm đại học miệt mài đèn sách.

Hãy cố gắng điền thông tin vô tất cả mọi mục mà LinkedIn có khi bạn cập nhật một công việc nào mới, quan trọng nhất là trang web của công ty đó vì LinkedIn sẽ hiển thị Logo và tên của công ty đó lên feed của bạn trông chuyên nghiệp hơn rất nhiều lần.

Đừng quên viết vài dòng mô tả chức vụ của bạn ở công ty đó là gì -> công ty mắc phải vấn đề gì từ trước khi bạn vào làm -> bạn đã giải quyết vấn đề đó bằng phương pháp nào -> và kết quả sau đó ra sao.

Mẹo: để thêm website của công ty vào, hãy nhấn vào nút “+ Add media” ở dưới cùng khi bạn đang trong mục “Add experience“. Và hãy cố ước tính khoảng thời gian bạn vào làm cũng như nghỉ việc để hồ sơ việc làm của bạn được cấu trúc tổng quát một cách chính xác nhất.

Experience section in profile LinkedIn

Mục Experience nên được liệt kê tất cả mọi công việc của bạn từ trước đến nay

6. “Education” một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy – đạo lý LinkedIn phiên bản dân gian Việt

Dù đó là khoá học online, cấp 2, cấp 3 hay trường nghề, hãy cập nhật toàn bộ vào hồ sơ của mình một cách công khai. Vì sao?

LinkedIn là một trang mạng xã hội được tạo ra với mục đích kết nối những người có “ít nhất một cái chung”, điều đó có nghĩa là sao?

Nếu bạn học cấp 3 ở trường Nguyễn Chí Thanh, và bạn cập nhật điều đó lên hồ sơ LinkedIn của mình, thì thuật toán LinkedIn sẽ tự cho rằng bạn có ít nhất 1 điểm chung với tất cả những người dùng LinkedIn khác cũng từng học cấp 3 ở trường Nguyễn Chí Thanh. Khi đó thuật toán gợi ý của LinkedIn sẽ có khả năng cao hơn gợi ý cái tên của bạn, bài viết của bạn đến nhiều người có liên quan hơn, kể cả những người tuy không học ở đây nhưng lại có bạn bè là người từng học ở đây.

Tương tự với các khoá học online, khi một công ty mở khoá học online, họ phải xây dựng thương hiệu của mình ở nhiều nơi nhất có thể, và khả năng cao LinkedIn không phải ngoại lệ. Do đó, họ đã có sẵn một cộng đồng những người cùng hứng thú về một ngành nào đó như bạn.

Một lần nữa, hãy đặt bản thân vào vị trí của nhà tuyển dụng, nếu bạn muốn tìm một thực tập sinh chuyên viết bài chuẩn SEO, bạn có cân nhắc tìm đến một cộng đồng học online về kĩ năng SEO nhập môn không? Mình tin chắc là có.

7. “Licenses & certifications” là nơi để khoe mẽ các kĩ năng được chứng nhận tai nghe tin đồn mắt thấy chứng chỉ

LinkedIn có cung cấp các khoá học lấy chứng chỉ online có thể được cập nhật ở mục này, các khoá học đi từ miễn phí đến có trả phí, bao gồm hàng trăm kĩ năng cứng và kĩ năng mềm khác nhau.

Đó có thể là LinkedIn Marketing Strategy Certificate, hoặc kĩ năng phỏng vấn, kĩ năng sử dụng Excel thông thạo,…

Việc cập nhật các chứng chỉ này cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn rất ham học hỏi, bạn đã được chứng nhận ở các kĩ năng căn bản này bởi LinkedIn, điều đó giúp họ tin tưởng hơn về những gì bạn kể về bản thân ở mục “About”

Vì thật sự có nhiều người rất giỏi kể những câu chuyện hấp dẫn nhưng ngoài ra thì chẳng có kĩ năng hay ý chí phấn đấu. Hãy làm bản thân khác biệt bằng việc dành thời gian ra học và lấy được chứng chỉ từ LinkedIn.

Tương tự với mục “Volunteer experience“, hãy đừng ngần ngại nói nhỏ cho cả thế giới biết bạn từng tham gia những hoạt động từ thiện gì, đóng góp của bạn có giá trị ra sao với xã hội, kinh nghiệm bạn rút ra được làm gì, điều đó có liên quan gì đến sự nghiệp bạn đang nhắm đến.

8. “Skill & endorsements” và “Recommendation” là nơi thầm nói với HR rằng: tôi nói mà chú lại chẳng tin tôi!

Skill & endorsement on profile LinkedIn

Endorsement là vũ khí mạnh nhất trên profile LinkedIn để thuyết phục HR

Vì cách duy nhất bạn có thể làm để lấp đầy mục này là nhắn tin nhờ những người đồng nghiệp, quản lý, bạn bè của mình nhắn gửi đôi lời cảm nghĩ về bạn ở các mục kĩ năng nhất định.

Bằng chứng xã hội là 1 trong 6 vũ khí thuyết phục mạnh nhất của con người được chứng minh bởi nhà khoa học Robert B.Cialdini, và đó chính xác là khả năng mà mục Endorsement & Recommendation có thể chứng minh cho profile LinkedIn vững chắc của bạn.

Và nếu những “chiếc thư tình” này đến từ những người có chức vụ cao, thâm niên cao trong ngành, thì lời nói của họ càng có giá trị hơn vì khi đó bạn lại được hưởng thêm sức mạnh của vị thế, cũng là 1 trong 6 vũ khí thuyết phục nói trên, cộng hưởng với bằng chứng xã hội.

Recommendation section on profile LinkedIn

Recommendation là vũ khí mạnh nhất trong profile LinekdIn của bạn với HR

9. Đổi URL dẫn đến profile LinkedIn là điều nhiều người dùng LinkedIn lâu năm vẫn không biết

Để đổi được URL đẫn dến hồ sơ LinkedIn, bạn phải đăng nhập vào LinkedIn trên máy tính.

Ngay khi vào trang cá nhân của bạn trên LinkedIn, nhìn lên góc trên bên phải, bạn sẽ thấy mục “Edit public profile & URL

Khi bạn gửi đường link LinkedIn của mình đến cho bất kì HR nào, điều đầu tiên họ phán xét bạn có thật sự biết dùng LinkedIn không chính là địa chỉ đường link bạn gửi.

Đây là một đường link của người dùng LinkedIn chưa thật sự tìm hiểu LinkedIn: https://www.linkedin.com/in/jeremy-hai-ho-9699351bb/

Đây là đường link bạn nên có: https://www.linkedin.com/in/thanhhaiho/

Đừng để bị đánh giá thấp ngay từ vòng gửi xe, hãy cập nhật đường link của mình ngay khi bạn đăng nhập được vào profile Linkedin của bạn trên máy tính.

Nút “Edit public profile & URL” nằm ngay Góc phải phía trên, ngay bên dưới thanh công cụ

10. Đăng gì ở mục “Featured” để tiết kiệm thời gian cho nhà tuyển dụng khi họ ghé thăm Profile LinkedIn của bạn?

Không như mục “Activity” ngay bên dưới, mục Featured này sẽ luôn cố định số lượng bài đăng và thứ tự bài đăng như khi bạn thiết lập. Từ kinh nghiệm bản thân, mình khuyên bạn hãy ghim:

  • Một chiếc Resume được cập nhật đầy đủ
  • Các chiếc thư giới thiệu từ những công ty trước bạn từng làm qua
  • Các giải thưởng, bằng khen hay các chiến dịch thành công mà bạn từng thực hiện
  • Cột mốc sự kiện quan trọng trong đời

11. Hãy đảm bảo Profile LinkedIn của bạn đạt chuẩn “All star”

Dashboard on profile LinkedIn

Profile LinkedIn xịn là khi bạn đạt được huy hiệu All star ở góc phải Dashboard

Quay lại khu vực Dashboard nằm ngay dưới Intro, LinkedIn sẽ đưa ra danh sách của những việc bạn cần làm để đạt chuẩn “All star” của LinkedIn.

Một tài khoản LinkedIn chuẩn “All star” là tài khoản sẽ có cơ hội cao hơn được gợi ý đến nhiều người dùng khác có cùng hứng thú bởi thuật toán LinkedIn.

Đừng dừng lại cho đến khi bạn có chuẩn “All star”, bạn càng để tài khoản không đạt chuẩn bao lâu, bạn sẽ càng mất bấy nhiêu cơ hội được tìm thấy bởi các nhà tuyển dụng tiềm năng.

Tài khoản LinkedIn được tối ưu không phải là một ưu thế mà là một điều kiện tối thiểu trong thời đại tuyển dụng 4.0

Nhưng một tài khoản LinkedIn được tối ưu và thường xuyên được chăm sóc bằng cách đăng tải nội dung là một ưu thế lớn không tưởng.

Hãy dành ra nhiều thời gian hơn để học hỏi “văn hoá” LinkedIn, xem cách họ sử dụng ngôn ngữ văn phong thế nào khi kể về một câu chuyện hay dự án nào đó.

Ở các bài viết tiếp theo, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm kết nối với các lão làng và các nhà tuyển dụng để tăng cơ hội tìm việc của bạn nhiều hơn và có cơ hội tiếp cận đến những vị trí chỉ dành cho nội bộ giới thiệu.

Với một tài khoản LinkedIn được tối ưu, chẳng mấy chốc bạn sẽ thấy hằng tuần có hàng chục người xem qua hồ sơ của bạn, và bạn sẽ nhận được lời mời đi phỏng vấn hàng tuần từ các công ty lớn bé khác nhau trong lĩnh vực mà bạn quan tâm.

Hãy liên hệ mình qua SOL Edu nếu bạn cần hỗ trợ bất kì điều gì với hồ sơ LinkedIn của bạn, mình sẽ cố gắng hết mình để hỗ trợ.

Nếu bạn muốn được tư vấn chọn trường, chọn ngành phù hợp để có cơ hội được định cư Úc, ở SOL Edu chúng mình có một đội ngũ tận tâm và chuyên nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm và hàng nghìn hồ sơ định cư thành công tại Úc trong suốt 25 năm qua.

SOL Edu còn tự hào là education agent hàng đầu nước Úc được công nhận bởi trường đại học QUT 10 năm liền với những lời khuyên chiến lược xuất sắc giúp các bạn du học sinh định hướng cho tương lai rộng mở không giới hạn của mình.

Hãy liên hệ SOL Edu ngay hôm nay qua bất cứ đâu bạn muốn, dù đó là email, Facebook, hay đơn liên hệ để được tư vấn miễn phí.

Đọc thêm các bài viết tương tự:

https://www.soledu.net/vn/workshop-linkedin-xu-huong-tuyen-dung-cua-binh-thuong-moi/

Ngành IT là gì và tại sao nghề IT được ƯU TIÊN định cư tại Úc?

Kinh nghiệm cắm trại qua đêm an toàn ở Úc: từ chọn lều đến chỗ ngủ